Amply giá rẻ của Cronus Magnum
Với tiêu chí "hàng mỹ không đắt như bạn nghĩ" của CEO hãng Cronus Magnum. Sản phẩm này được ra mắt năm 2010 với giá chỉ 2.200 USD nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì chất lượng âm thanh của sản phẩm với công suất 90W cũng đủ để cho người nghe thỏa mãn.
Cronus Magnum được thiết kế, lắp ráp tại Hoa Kỳ, dùng đèn KT90, có công suất 90w x 2 đủ sức chơi những đôi loa khó chịu nhất và được báo The Absolute Sound bình chọn là “amply giá rẻ hay nhất 2010”. Xét về mặt chế tạo, kỹ thuật và âm thanh, các nhà phê bình đều nghĩ rằng Cronus Magnum phải nằm ở tầm giá 3.500 USD (~76 triệu đồng) nhưng Rogue Audio đã gây sốc khi chỉ bán Cronus Magnum có 2.200USD (~48 triệu đồng)!
Đặc điểm kỹ thuật của ampli Cronus Magnum so với Cronus:
- Biến áp nguồn cấp điện lớn hơn
- Mạch cấp điện cải tiến
- Tụ điện Polypropylene ở vị trí tín hiệu đi qua
- Điện trở xịn Dale-Vishay ở các điểm quan trọng
- Đế cắm đèn bằng gốm sứ, ống kẹp chân đèn mạ vàng
- Bóng tín hiệu và bóng công suất của Nga loại tốt
- Cọc đấu loa mạ vàng
- Logo Magnum ở mặt tiền máy.
Khui thùng: Máy được đóng gói cẩn thận bằng mút loại dai cứng và đèn công suất được đựng trong hộp carton nhỏ riêng có ghi vị trí chính xác. Mặt nhôm phay đẹp có logo khắc chìm chữ Rogue và chữ Magnum mầu xanh ở góc. Băng thông hoạt động từ 20Hz - 30KHz, 3 ngõ vào RCA, 1 ngõ phono MM, 1 ngõ Headphone, đặc biệt có ngõ ra pream out độc lập, thuận tiện việc dùng thêm một cục đẩy công suất. Kích thước: Rộng 45,5 x Sâu 43 x Cao 14 cm. Nặng ~26.5kg. Thiết kế lắp ráp 100% tại Hoa Kỳ. Vừa khui thùng, cho máy hát thử, Magnum đã làm chúng tôi ngỡ ngàng!
So với amplifier tích hợp tiền bối Cronus, Cronus Magnum có tính thuyết phục hơn hẳn: mạnh mẽ hơn, sạch sẽ hơn, đẹp đẽ hơn. Trên Thế Giới Game số tháng 2/2011, Cronus với giá bán 1.800 USD đã được khen ngợi là hát hay tương đương các amply karaoke giá rẻ tích hợp tầm 2.800 USD. Ở bài viết đó, Cronus thể hiện như một ampli trị được nhiều loại loa, chơi được nhiều loại nhạc nhưng một trong những nghi vấn đặt ra là liệu Cronus có khả năng "trị" các cặp loa độ nhạy 90dB như cặp Onkyo Monitor 100 không?
Lần này, Cronus Magnum trong hình dáng giống hệt Cronus nhưng lại thể hiện sự đĩnh đạc, chững chạc hơn nhiều! Cronus Magnum với cải tiến, có công suất 90W x 2 nên trị các cặp loa độ nhạy thấp dễ dàng so với Cronus 55W x 2. Đây là thành quả của kỹ thuật Magnum.
Chúng tôi đã dùng cặp loa JBL 4312A công suất 100W 8 Ohm, độ nhạy 93dB (không cao lắm) làm loa thử chính (loa đối chứng là Kenwood Vintage 5080 công suất 70W 8 Ohm, độ nhạy đủ cao là 102dB). Các loa này đều có bass 3 tấc nên rất thuận lợi cho việc thử nghiệm với đầu quay đĩa than. Cả các định dạng như CD, cassette đều được dịp thể hiện thuận lợi hơn với bass từ 3 tấc.
Loa Kenwood chạy với Ampli tích hợp Tempest, sử dụng ngõ ra pre của Magnum để nghe phono. Nhìn chung, chất lượng 2 giải pháp chính và đối chứng là tương đương nhau với ưu thế về độ căng mạnh và chi tiết thuộc về JBL và ưu thế về độ quện dịu và quyến rũ (do tiếng mộc mạc) thuộc về Kenwood.
Đáng để mơ ước
Đĩa than đầu tiên chúng tôi đặt nghe là Ilana Vered – Tchaikovsky/Rachmaninov: Piano Concertos Nos 1&2. Cái hoành tránh, “sấm sét” của Tchaikovsky 1 và cái du dương, trữ tình của Rachmaninov 2 càng như được đào sâu thể hiện trên bộ dàn với trái tim là Magnum. Tiếng trầm gầm rú nhưng gọn dẻo; tiếng trung trong trẻo và tròn trịa, lanh lảnh như chuông; tiếng cao sáng rỡ và tơi mịn… Từng câu đoạn đều được bộ dàn dịch chuyển một cách đầy tự nhiên, không gò ép, có cảm tưởng được nghe nhạc thật từ sân khấu vậy. Trước, mỗi lần nghe Ilana Vered chơi Tchaikovsky/Rachmaninov, chúng tôi đều thán phục tài nghệ và sức diễn mạnh mẽ như “hổ cái” (người đời gán cho bà biệt danh này). Lần này, chúng tôi còn thấy ở bà một hình ảnh “hổ cái dễ thương” – tức là không thể xem thường nhưng rất dễ thương!
Đĩa than tiếp theo mà chúng tôi nghe là John Wiliams & Eugene Ormandy + Philadelphia Orchestra: Concertos for Guitar and Orchestra by Joaquin Rodrigo & Castelnuovo-Tedesco. Cả hai bản concerto đều có độ dài gần 20 phút và chúng tôi nghe chỉ như chừng một loáng là hết vì bị nó cuốn hút. Những lần trước, chúng tôi đều biết đây là đĩa quý với tác giả + tác phẩm & thành phần trình tấu + thu thanh xịn. Nhưng, lần này, chúng tôi cảm thấy mãn nguyện với các màn lên đỉnh nhưng không chát gắt: tiếng cặp loa, thậm chí cây đàn trên tay nghệ sĩ… vẫn cho cảm tưởng là chùng “hoàn toàn vừa sức”. Là 2 concerto “có số” cho guitar và dàn nhạc (là những tác phẩm giúp guitar ngẩng cao, sánh ngang piano, violin và cello trên trường âm nhạc bác học bắt đầu từ thế kỷ 20) thì sự sâu rộng và chi tiết của chúng đều là đương nhiên và may mắn thay, chúng đều đã được chuyển tải đầy đủ qua bộ dàn chạy Magnum.
Chuyển “về” nghe với cassette và CD (những định dạng ra sau đĩa than), chúng tôi càng thấy Cronus Magnum đáng quý hơn. Nó chơi các định dạng này một cách tốt đẹp và rất đáng kể so với những giải pháp chúng tôi từng nghe trước đó. Với đầu quay CD Denon DCD-3300, bộ dàn chơi các CD Isaac Stern & Eugene Ormandy + Philadelphia Orchestra play Brahms Violin Concerto và Helene Grimaux plays Beethoven Piano Concerto No5 ào ạt, sâu, rộng, động… đầy khí thế và không hề “hỗn tiếng” (tiếng bị hỗn là đặc trưng của dàn chạy CD, định dạng không thuần analogue như cassette hay phono).
Ở đĩa CD Thanh Lam Acoustic, sự sang trọng, điêu luyện và quyến rũ của chất âm (ở cả giọng ca lẫn tiếng nhạc đệm) đã khiến cho chúng tôi cảm giác rất hài lòng. Đó là 1 đĩa CD được thu âm đầy chi tiết, góc cạnh và được trình bày, bao gói ở đẳng cấp quốc tế. Có người nói họ không thích cái cách mà Thanh Lam trình bày một ca khúc: “Giá mà cô ấy cứ hát mộc đúng với chất giọng của mình”. Như vậy, chất giọng của ca sĩ vẫn lên đầy đủ, chỉ có sự “biến báo” của Cô chưa được lòng một số người nghe. Đó là chi tiết cần tranh cãi nhưng không ảnh hưởng đến khả năng tái hiện trung thực của bộ dàn.
Chúng tôi còn nghe những đĩa test mà các audiophile thường truyền tay nhau, chẳng có list tên bài… Thực sự là, với các dòng nhạc cần công suất như giao hưởng hay rock nặng, bộ dàn với Magnum đều “chạy phăng phăng”. Không chỉ “vác nặng”, Magnum còn “hát hay” với cả các dòng nhạc Ballad, Jazz hay Country. Đặt đĩa than John Denver Greates’t Hits lên, hình ảnh chàng trai đã làm thổn thức hàng triệu trái tim trong trắng ngây thơ lại hiện về. Một đồng nghiệp và đồng môn audio của chúng tôi mỗi lần nghe lại đĩa này đều nói: “Tôi muốn có một mâm đĩa than tốt và chiếc đĩa than này để lâu lâu đặt nghe”. Cả lần này, anh ấy cũng nói câu đó. Mới thấy, Cronus Magnum “giá không cao nhưng bao người phải ngước nhìn”.