Khi nói tới Analog người ta thường nghĩ ngay tới đĩa than , băng cối , cassette....với những đôi tai sành nhạc thì "chỉ nghe từ đĩa than mới cảm nhận được cái hay , cái đẹp và sang trọng của âm nhạc"...
Năm 1877 Thomas A. Edison , nhà phát minh thiên tài người Mỹ đã sáng chế ra các máy ghi âm đầu tiên của loài người , chiếc máy hoạt động dựa trên cơ sở các sóng âm thanh được đưa qua một bộ phận biến đổi để tạo nên những vết khắc nhờ một chiếc kim lên trên một ống trụ kim loại
Khi cần tái tạo lại âm thanh , người ta dùng chiếc kim đó đọc lại âm thanh từ ống kim loại đã được ghi âm , dao động cơ học ở đầu kim được qua một hệ thống khuếch đại bằng cơ khí để nâng biên độ lớn lên rồi đưa ra loa .
Về nguyên lý , việc ghi đĩa than không khác nhiều so với nguyên lý ghi âm ban đầu của Edison. Năm 1887 , Emile Berliner ( Mỹ ) đã sáng chế ra chiếc máy quay đĩa đầu tiên. Để nâng cao chất lượng âm thanh , công nghệ ghi đĩa trên quy mô công nghiệp đã được cải tiến không ngừng , từ những bản ghi đầu tiên với kỷ thuật Mono 78vòng/phút , tiếp đến 45 vòng và cho đến những chiếc đĩa đạt tiêu chuẩn Hi-Fi long play 33vòng/phút là một bước tiến đáng kể.
Trong lĩnh vực ghi đĩa phải kể đến tên những hãng ghi âm có nhiều đóng góp lớn như: RSAVictor , EMI ( Mỹ ) , Decca Reccord ( Anh ) , Deuts Gramophon ( Đức )...Kỹ thuật ghi - đọc bằng đĩa than thuần tuý là kỹ thuật Analog , do đó âm thanh sân khấu đạt được độ trung thực cao dân chơi sành nghe nhạc gọi là tiếng “mộc”. Âm thanh của đĩa than có những nét đặc trưng riêng khác biệt với kỹ thuật digital đang phổ biến bây giờ. Khi nghe một bộ dàn chạy đĩa than loại tốt , người ta thấy âm thanh có độ nổi , vị trí các nhạc cụ chơi trong dàn nhạc hiện lên rất rõ ràng , giọng hát của ca sĩ ngọt ngào và truyền cảm dường như cả ban nhạc đang chơi trước mắt bạn vậy…Chính vì lý do này mà hiện nay trên thế giới vẫn còn rất nhiều người say mê sưu tầm và thưởng thức đĩa than. Đặc biệt là những bạn yêu nhạc cổ điển , nhạc jazz – Blue và các loại nhạc cụ acoustic…..
Về kết cấu máy hát đĩa than gồm phần đầu đọc ( phonocatridge ) , tay cơ ( tonearm ) , phần quay đĩa gồm mô-tơ và mâm quay. Có hai loại đầu đọc thông dụng là “nam châm động” còn gọi là kim MM ( Moving Magnet ) , loại này rẻ tiền hơn và được sử dụng rất phổ biến. Loại thứ hai có tên gọi là “Cuộn dây động” còn gọi là kim MC ( MovingCoil ) , loại đầu đọc MC cho ra âm thanh tốt hơn hẳn loại MM , hầu hết các đầu đọc đắt tiền đều là loại MC.
Có lẽ chơi đĩa than ngoài phần thưởng thức âm thanh mộc thì còn đòi hỏi người chơi phải cầu kỳ và cẩn thận. Để chơi đĩa than ngoài phần đầu tư mua máy , amly , loa hội trường , đĩa... dân chơi đĩa than còn phải tự trang bị cho mình nhiều phụ tùng như chổi carbon để chải bụi trên đĩa , bình xịt dung dịch chống tĩnh điện ( antistatic ) , súng thổi bụi bằng khí nén , chổi và dung dịch đặc biệt để làm sạch đầu kim đĩa. Đĩa thường được bảo quản cẩn thận trong tủ kính để tránh bụi , hơi ấm và nhiệt độ cao làm cong vênh và có những vết nổ trên mặt đĩa.
Có thể so sánh thú chơi đĩa than là thú chơi của quý tộc vì ngoài khoảng đâu tư mua máy móc thì đĩa than cũng rất đắt đỏ. Những chiếc đĩa quý và đắt đỏ không phải vì sản xuất mà phụ thuộc vào ca sĩ , dàn nhạc , năm sản xuất. Vòng quanh trên các diễn đàn mua bán các bạn dễ dàng bắt gặp những chiếc đĩa than có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng như đĩa của nhóm Abba , The Beatles...
Tuy nhiên một số nơi có bán các loại đĩa than theo thùng với giá rất rẻ khoảng 8000 VNĐ đến 20000VNĐ , các đĩa đó thường được nhập từ các bãi rác từ Mỹ , Nhật...được một số người mua về sử dụng làm decor trang trí phòng nghe , quán café , karaoke ...
Thú chơi đĩa than rất tốn kém và cầu kỳ nhưng nếu bạn mới bắt đầu chơi có thể đầu tư những đầu đĩa than vừa phải tầm giá từ 3 đến 5 triệu bao gồm đầy đủ kim , máng , cần...